1. Tiêu chí đối với người lao động
Người lao động tham gia Chương trình PALM phải đáp ứng các tiêu chí, điều kiện sau:
a) Hộ chiếu: Người lao động có hộ chiếu còn hiệu lực phù hợp với thời gian tham gia hợp đồng lao động tại Australia.
b) Kỹ năng, trình độ và kinh nghiệm cần thiết: Người lao động phải đảm bảo có kỹ năng phù hợp, trình độ và/hoặc kinh nghiệm làm việc cần thiết theo yêu cầu của người sử dụng lao động.
c) Hình thể và sức khỏe tốt: Người lao động có thể chất khỏe mạnh và phù hợp với công việc được chỉ định.
d) Thái độ tích cực: Người lao động thể hiện thái độ tích cực với công việc và có tinh thần sẵn sàng học hỏi.
e) Độ tuổi: Người lao động phải trên 21 tuổi vào thời điểm nộp hồ sơ xin thị thực.
g) Tư cách tốt: Phù hợp với tiêu chí đủ điều kiện cấp thị thực (người lao động có thể chứng minh bằng lý lịch tư pháp).
h) Quốc tịch: Người lao động phải mang quốc tịch Việt Nam và phải cư trú tại Việt Nam khi bắt đầu nộp hồ sơ xin thị thực.
i) Năng lực tiếng Anh: Người lao độngphải có trình độ tiếng Anh cơ bản đủ để có thể làm việc, hòa nhập cuộc sống tại Australia và góp phần giảm rủi ro và tự giải quyết phát sinh. Người lao động phải đạt điểm kiểm tra tiếng Anh tối thiểu một trong các hình thức sau: (1) điểm IELTS tổng thể là 4.0; (2) Pearson Test of English Academic (PTE Academic) - tổng điểm ít nhất là 30 dựa trên 4 thành phần của bài thi; (3) Cambridge English Advanced (CAE) - tổng điểm ít nhất là 147 dựa trên 4 thành phần của bài thi. Phía Australia sẽ không chấp nhận kết quả thi 'tại nhà' hoặc 'trực tuyến'.
Người lao động có điểm kiểm tra IELTS tổng thể dưới 5.0 hoặc điểm kiểm tra PTE Academic, CAE tương đương phải thực hiện bài thi trong khoảng thời gian 12 tháng trước ngày người lao động được đề nghị ký hợp đồng lao động. Người lao động có điểm kiểm tra IELTS tổng thể từ 5.0 trở lên hoặc điểm kiểm tra PTE Academic, CAE tương đương phải thực hiện bài thi trong khoảng thời gian 24 tháng trước ngày người lao động được đề nghị ký hợp đồng lao động.
k) Hồi hương: Người lao động đến Australia làm việc tạm thời và phải về Việt Nam sau khi kết thúc hợp đồng lao động.
2. Quyền lợi cơ bản của người lao động tham gia Chương trình PALM
a) Được hưởng các quyền lợi theo quy định của luật pháp Australia như người lao động Australia.
b) Được hưởng mức lương cơ bản ít nhất bằng mức lương tối thiểu theo quy định của luật pháp Australia và phù hợp với các quy định của chương trình PALM.
c) Được người sử dụng lao động bố trí đủ việc làm, nơi làm việc an toàn.
d) Được người sử dụng lao động chi trả tối thiểu 300 đô la Australia cho chi phí vé máy bay từ Việt Nam đến nơi làm việc/nơi ở tại Australia.
e) Được người sử dụng lao động chi trả chi phí tuyển chọn/chi phí hành chính cho doanh nghiệp dịch vụ/ đơn vị sự nghiệp công lập (người lao động không phải chi trả tiền dịch vụ cho doanh nghiệp dịch vụ hoặc chi phí hành chính cho đơn vị sự nghiệp công lập).
g) Được doanh nghiệp dịch vụ/đơn vị sự nghiệp công lập hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện thủ tục, hồ sơ xin thị thực, xuất cảnh.
h) Được Chính phủ Australia cấp thị thực làm việc tạm thời (Quan hệ quốc tế) (phân nhánh 403) - dòng di chuyển lao động Thái Bình Dương - Australia (hoặc loại thị thực khác theo quy định của Chính phủ Australia).
i) Được tham gia khóa học giáo dục định hướng 74 tiết do doanh nghiệp dịch vụ/đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức và được tham gia khóa hướng dẫn trước khi xuất cảnh do phía Australia tổ chức.
k) Được người sử dụng lao động hướng dẫn, hỗ trợ hưởng chế độ phúc lợi, cơ chế khiếu nại, tuyển dụng và xử lý phát sinh trong thời gian làm việc tại Australia.
l) Được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Australia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong thời gian làm việc tại Australia.
m) Được tiếp tục tham gia chương trình (người lao động đã tham gia chương trình PALM, nếu có nguyện vọng tiếp tục tham gia Chương trình phải rời khỏi Australia 03 tháng sau khi kết thúc hợp đồng lao động đối với lao động thời vụ và rời khỏi Australia 06 tháng sau khi kết thúc hợp đồng lao động đối với lao động dài hạn.
3. Trách nhiệm, nghĩa vụ của người lao động
a) Tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật Australia.
b) Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam; tôn trọng phong tục, tập quán, văn hóa của Australia; đoàn kết với người lao động cùng làm việc tại Australia.
c) Chịu trách nhiệm về những chi phí trước khi xuất cảnh và khi đến nơi làm việc:học tiếng Anh (nếu cần), ăn, ở, đi lại tại Việt Nam; hộ chiếu, lý lịch tư pháp, kiểm tra sức khỏe, một phần chi phí vé máy bay từ Việt Nam đến Australia (đã trừ đi khoản chi trả tối thiểu 300 đô la Australia được người sử dụng lao động chi trả)...
d) Hoàn thành khóa học giáo dục định hướng do đơn vị sự nghiệp công lập/doanh nghiệp dịch vụ thực hiện, khóa hướng dẫn trước khi xuất cảnh do phía Australia thực hiện.
e) Đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.
g) Làm việc đúng nơi quy định; chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động;tuân thủ sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.
h) Về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Trước dó, vào hồi 15h 30 ngày 06 tháng 9 năm 2024 tại trụ sở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TBXH), Bộ LĐTBXH và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức Họp báo công bố triển khai thực hiện hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia theo Chương trình Di chuyển lao động giữa Australia và Việt Nam.
Theo đó, chính phủ Australia sẽ cho phép tối đa 1.000 lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại Australia tại cùng một thời điểm. Người lao động Việt Nam tham gia Chương trình có thể làm công việc ngắn hạn (từ 6 đến 9 tháng) hoặc làm công việc dài hạn (từ 1 đến 4 năm). Vị trí việc làm của người lao động Việt Nam chỉ yêu cầu có kỹ năng nghề thấp đến bán lành nghề trong ngành nông nghiệp như trồng trọt, chế biến thịt, thủy sản (bao gồm nuôi trồng thủy sản) và lâm nghiệp.
Vào đầu tháng 3 năm nay, Thủ tướng Chính phủ của hai nước đã cùng công bố Kế hoạch thực hiện của chương trình (tham khảo tại: A new era for Australia Vietnam relations | Prime Minister of Australia (pm.gov.au)), trong đó nêu rõ các yêu cầu, điều kiện đối với lao động Việt Nam tham gia chương trình cũng như vai trò và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan để đảm bảo phúc lợi cho người lao động.
Việc lựa chọn doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Người sử dụng lao động Australia tham gia vào chương trình được thực hiện trong tháng 9. Bộ LĐ-TBXH và Chính phủ Australia cùng phối hợp lựa chọn doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam tham gia Chương trình.
Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Bá Hoan cho biết: “Hợp tác lao động là một thành tố quan trọng trong quan hệ đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam và Australia, là dấu mốc quan trọng về hợp tác kinh tế, văn hóa và giao lưu nhân dân giữa hai nước”.
“Hai nước triển khai thực hiện Thỏa thuận nhằm đáp ứng nguyện vọng của người lao động Việt Nam đi làm việc tại Australia để nâng cao trình độ ngoại ngữ, tích lũy kiến thức, khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp với mức thu nhập cao… Khi hoàn thành hợp đồng lao động về nước có thể áp dụng, thực hiện có hiệu quả, tăng năng suất lao động; đồng thời người lao động đi làm việc tại Australia nhằm đáp ứng nhu cầu thiếu hụt về nguồn nhân lực của người sử dụng lao động Australia”.
Trong năm đầu tiên thực hiện chương trình, một đơn vị sự nghiệp công lập và tối đa sáu (06) doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được lựa chọn tham gia chương trình. Đơn vị sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp dịch vụ không được lựa chọn sẽ không được tham gia và tuyển dụng lao động cho chương trình. Phí tuyển dụng sẽ do người sử dụng lao động của Australia chi trả cho đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam.
Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết: “Chương trình hợp tác này có ý nghĩa quan trọng đối với cả Việt Nam và Australia. Chương trình sẽ mang đến cho người lao động Việt Nam các cơ hội nâng cao kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng làm việc trong khi đảm nhận các vị trí công việc ở vùng nông thôn và địa phương tại Australia. Chương trình này cũng nhấn mạnh hợp tác kinh tế và mối liên kết tăng cường giữa người dân Australia và Việt Nam, đồng thời phản ánh Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mới được nâng cao của chúng ta”.
“Australia và Việt Nam đều cam kết đảm bảo cho người lao động tham gia chương trình PALM được an toàn và giảm thiểu tối đa các rủi ro liên quan đến gian lận, hoạt động tuyển dụng phi đạo đức và bóc lột lao động. Chúng tôi mong muốn làm việc cùng các doanh nghiệp dịch vụ có kinh nghiệm tại Việt Nam và có các chính sách và hoạt động tuyển dụng công bằng, có đạo đức và minh bạch”.