Vươn lên từ vực thẳm
“Quá trình lái xe do bất cẩn gây ra tai nạn nghiêm trọng, tôi phải chấp hành án phạt tù treo 12 tháng. Những tưởng cuộc đời bế tắc, nhưng nhờ định hướng của Trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) tỉnh Đồng Tháp, tôi vươn lên từ vực thẳm, có việc làm, có tích lũy...” là lời tâm sự của anh Nguyễn Thành Nam (xã An Bình, huyện Cao lãnh, Đồng Tháp) tại Phiên giao dịch việc làm (GDVL) cho đối tượng là phạm nhân cải tạo tốt năm 2024 ở Trại giam Cao Lãnh ngày 18.10.
Anh Nam kể, năm 2017, khi trở về xã hội, anh được nhân viên TTDVVL Đồng Tháp động viên và tư vấn đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng tại Nhật Bản. Cuộc đời anh bước sang trang mới. Sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi tháng anh gửi về cho gia đình 20 triệu đồng. Sau 4 năm làm việc, về nước, anh Nam mua 2.000m2 đất lập vườn xoài chuyên canh.
Tham gia phiên GDVL, ông Nguyễn Công Đỉnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nhân lực quốc tế Hưng Thịnh (TP Hồ Chí Minh) - chia sẻ, sự thành công của anh Nam không chỉ là niềm tự hào của công ty, mà còn là niềm tin và tiền đề để công ty mạnh dạn và tự tin tiếp nhận đối tượng này trong thời gian tới.
“Chúng tôi sẵn sàng mở rộng tay để hỗ trợ những người lầm lỡ làm lại cuộc đời. Đây sẽ là sức lan tỏa, giải tỏa tâm lý nặng nề cho phạm nhân cũng như hướng phát triển công ăn việc làm để không bị mặc cảm” - ông Đỉnh nói.
Được lắng nghe chia sẻ của người đi trước, anh Nguyễn Hữu Lợi (Đội 10, phân trại số 1, Trại giam Cao Lãnh) như trút bỏ phiền lo về vị trí việc làm trong tương lai: “Sau khi dự phiên GDVL, tôi như được tiếp thêm niềm tin về cơ hội làm việc và sẽ không lặp lại những sai lầm... Sau khi mãn hạn, trở về nhà tôi sẽ xin làm tại một trong số công ty có mặt hôm nay rồi trau dồi kiến thức, ngoại ngữ để đi làm việc ở nước ngoài như anh Nam”.
Tiếp tục lan tỏa
Từ năm 2022 đến nay, Trại giam Cao Lãnh đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp mở 16 lớp học về các nội dung về giáo dục, tư vấn kiến thức pháp luật, việc làm… với hơn 1.900 phạm nhân tham gia. Các đơn vị phối hợp chủ yếu đào tạo các ngành nghề xây dựng, hàn điện, điện công nghiệp.
Hằng năm, phía Trại giam Cao Lãnh cũng chủ động tổ chức truyền nghề cho phạm nhân thông qua các hoạt động lao động sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp…
Tuy nhiên, công tác dạy nghề, nâng cao tay nghề còn hạn chế, một số ngành nghề chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của từng địa phương, chưa phù hợp với nhu cầu lao động của xã hội nên vấn đề tìm việc làm khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương còn thấp.
Thượng tá Cao Quang Thông - Phó giám thị Trại giam Cao Lãnh (thuộc Cục C10, Bộ Công an) thông tin, phối hợp với Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Tháp tổ chức phiên GDVL cho phạm nhân là cách làm thiết thực giúp tư vấn tiêu chuẩn học nghề, việc làm, giúp họ linh hoạt phát triển bản thân ngay khi trở về xã hội.
“Như câu nói “Nhàn cư vi bất thiện”, tôi tin trong thời gian tới khi chấp hành án phạt tù và có tư duy tích cực, họ sẽ lựa chọn hướng đi đúng đắn và thành công” - Thượng tá Thông kỳ vọng.
Bà Nguyễn Thị Minh Tuyết - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Đồng Tháp - cho hay: “Đối với chương trình này, trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục mở rộng quy mô để mọi người lao động đều có quyền làm việc, không ai bị bỏ lại phía sau”.
Nguồn tin: laodong.vn