Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 4-2024 là 12.430 lao động, trong đó có 2.710 lao động nữ).
Tính cả quý I, 4 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 48.363 lao động (14.193 lao động nữ), đạt 38,69 % kế hoạch năm nay.
Các thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam lần lượt là Nhật Bản: 29.665 lao động, Đài Loan (Trung Quốc): 14.908 lao động, Hàn Quốc: 815 lao động, Trung Quốc: 535 lao động, Singapore: 393 lao động, Rumani: 320 lao động, Thái Lan: 295 lao động, Macao (Trung Quốc): 182 lao động, Ả-rập Xê-út: 214 lao động, Hungary: 164 lao động và các thị trường khác.
Như vậy, Nhật Bản tiếp tục là sự lựa chọn của đông đảo người lao động khi ra nước ngoài làm việc trong 4 tháng đầu năm.
Nhiều năm qua, Nhật Bản luôn là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất
Mới đây, Nhật Bản thông qua dự luật sửa đổi Luật Nhập cư và thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài để thiết lập một hệ thống đào tạo lao động nước ngoài thay thế chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật hiện tại.
Hệ thống mới sẽ cho phép tiếp nhận lao động nước ngoài không có kỹ năng, đào tạo họ trong 3 năm đến cấp độ loại 1 (công nhân có tay nghề cụ thể), theo tình trạng cư trú với tổng thời gian tối đa là ở lại 5 năm.
Nếu những người lao động này vượt qua kỳ thi loại 2 đòi hỏi kỹ năng nâng cao, họ sẽ được phép làm việc tại Nhật Bản vô thời hạn và mang theo gia đình với khả năng cuối cùng là trở thành thường trú nhân.