Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam

Thứ tư - 10/04/2024 16:36 1.088 0
(Molisa.gov.vn) - Sáng ngày 09/4, tại Trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio chào kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cảm ơn và chúc mừng Ngài Đại sứ đã có một nhiệm kỳ rất thành công tại Việt Nam.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam của Đại sứ Yamada Takio

Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cảm ơn và chúc mừng ngài Đại sứ đã có một nhiệm kỳ hết sức thành công tại Việt Nam. Bộ trưởng cho rằng, chưa bao giờ mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản lại tốt đẹp như giai đoạn hiện nay. Quan hệ đó không chỉ về chính trị, kinh tế, văn hóa, mà các lĩnh vực hợp tác ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất, nhất là hợp tác về đào tạo và nhân lực. Đặc biệt, năm 2023 đánh dấu 50 năm kể từ khi Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời cũng là thời điểm quan hệ hai nước chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới.

Cảm ơn Bộ trưởng đã dành thời gian tiếp đón, Đại sứ Yamada Takio chia sẻ trong 4 năm công tác tại Việt Nam, cá nhân ông nói riêng cũng như phía Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã phối hợp tích cực, chặt chẽ với Bộ LĐTBXH và đạt được những kết quả tốt đẹp, dựa trên nền tảng nguồn nhân lực Việt Nam. Nhật Bản luôn đánh giá cao lao động Việt Nam bởi tính cần cù, chịu khó.

Chia sẻ với Bộ trưởng, Đại sứ Yamada Takio thông tin, sau dịch Covid-19, số lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc rất lớn. Theo thống kê đến cuối 2023, có khoảng 570.000 người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản, phần lớn trong số đó là thực tập sinh, lao động kỹ năng đặc định. Lực lượng lao động này đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản.

Đại sứ Yamada Takio cũng thông báo tới Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về việc tháng 3 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét việc loại bỏ chương trình thực tập sinh nước ngoài hiện tại, và thay bằng một chương trình mới, hướng tới việc đào tạo kỹ năng và bảo vệ quyền lợi của người lao động..., trong đó có thực tập sinh của Việt Nam.

Toàn cảnh buổi tiếp

Liên quan đến hợp tác cùng JICA triển khai Dự án “Hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”, Đại sứ Yamada Takio khẳng định phía Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ LĐTBXH trong triển khai dự án này.

Với chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản, Đại sứ Yamada Takio đánh giá các ứng viên điều dưỡng, hộ lý người Việt Nam rất xuất sắc, có khả năng ngoại ngữ tốt. Đặc biệt tỷ lệ ứng viên điều dưỡng, hộ lý thi đỗ chứng chỉ nghề quốc gia của Nhật Bản khá cao. Điều đó thể hiện, công tác đào tạo lao động ở Việt Nam trước khi sang Nhật Bản là rất tốt.

Bên cạnh đó, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam, Đại sứ Yamada Takio mong muốn hai bên sẽ mở rộng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam trong các lĩnh vực mới như bán dẫn, công nghệ cao, IT, quản trị kinh doanh… Bởi Nhật Bản đánh giá cao tiềm năng của lao động Việt Nam trong các lĩnh vực này.

Một lĩnh vực cũng được Đại sứ Yamada Takio đề cập liên quan đến thúc đẩy việc ký kết Hiệp định về bảo hiểm xã hội mà Chính phủ hai nước đang thảo luận cho ý kiến.

Ngoài ra, hiện nay các doanh nghiệp Nhật Bản đang tăng cường mở rộng sản xuất tại Việt Nam, do đó Đại sứ Yamada Takio đề nghị Bộ LĐTBXH tạo điều kiện trong việc cấp giấy phép lao động cho các chuyên gia, quản lý, lao đông kỹ thuật của Nhật Bản sang làm việc tại Việt Nam.

Đồng tình với những chia sẻ của Đại sứ Yamada Takio, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng thành công của mối quan hệ giữa hai nước có sự đóng góp không nhỏ của ngài Đại sứ. Kể từ sau đại dịch Covid 19, năm 2023 là năm thành công lớn đối với lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với 159.000 lao động, trong đó thị trường Nhật Bản chiếm tỷ lệ căn bản với trên 85.000 lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Đại sứ Yamada Takio cùng đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Bên cạnh đó, sau 30 năm hợp tác lao động Việt Nam – Nhật Bản, năm 2023 là năm lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn hợp tác lao động giữa 2 nước với quy mô và tầm vóc lớn. Hai bên cũng thống nhất lựa chọn ngày 16/12 hàng năm là kỷ niệm Ngày lao động Việt Nam – Nhật Bản.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng gửi lời cảm ơn tới Đại sứ Yamada Takio đã hỗ trợ, tạo điều kiện để hai bên tổ chức thành công kỳ thi kỹ năng đặc định tại Việt Nam thời gian vừa qua. Đồng thời khẳng định Việt Nam luôn dành sự ưu tiên, tạo điều kiện cho việc đưa lao động có chất lượng sang làm việc tại Nhật Bản.

Về chương trình điều dưỡng, hộ lý, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, bên cạnh các khóa đào tạo đang triển khai hiện nay, Nhật Bản có thể lựa chọn các trường Trung cấp, Cao đẳng y của Việt Nam để đặt hàng và hỗ trợ kinh phí đào tạo cho các em sinh viên năm thứ nhất có nguyện vọng sang làm việc tại Nhật Bản.

Đối với vấn đề hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Việt Nam cũng xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược, tương lai lâu dài. Thời gian tới, cùng với đào tạo nghề cơ bản, Việt Nam sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng khoảng 50.000 kỹ sư về công nghệ chip, bán dẫn... đồng thời phấn đấu có được 150.000 nhân lực có tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trao đổi về Hiệp định BHXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn và đề nghị hai bên thúc đẩy nhanh hơn để tiến tới Hiệp định được ký kết và có hiệu lực. Bởi lực lượng lao động của Việt Nam và Nhật Bản rất đông, không nên để người lao động phải đóng bảo hiểm 2 lần, gây khó khăn cho người lao động hai nước.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng thời gian qua, hợp tác giữa hai quốc gia về vấn đề xã hội chưa tương xứng với tiềm năng. Việt Nam đang đi theo mô hình cơ sở bảo trợ xã hội, Nhà nước bảo trợ, trợ giúp. Do đó, Việt Nam đề xuất Nhật Bản hỗ trợ xây dựng 1 đến 2 cơ sở nuôi dưỡng người già mang tầm quốc tế ở hai miền Nam - Bắc.

Cùng với đó, nhằm góp phần vào việc phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật, Bộ trưởng đề nghị Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam trong việc áp dụng mô hình Kosen vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Nguồn tin: www.molisa.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây