“Ông Hội đồng” đưa Sen Hồng ra thế giới

“Ông Hội đồng” đưa Sen Hồng ra thế giới

Thứ năm - 11/05/2023 11:11 504 0
“Những thông tin và hình ảnh của đoàn công tác do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp dẫn đầu, thăm hỏi lao động Đất Sen hồng đang làm việc tại nước ngoài ngay sau thời điểm hết dịch đã xoá tan những lo ngại…”. Lời của bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp đã khiến tôi háo hức tìm hiểu về “Ông Hội đồng” nặng lòng với người lao động.
“Ông Hội đồng” đưa Sen Hồng ra thế giới
Ông Phan Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp tặng quà và Từ điển Việt - Nhật cho các thực tập sinh trước giờ lên đường làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: BĐT.

Tình nguyện “phá băng”

“Ngay sau khi bước vào giai đoạn “bình thường mới”, thị trường lao động tại địa phương như “đóng băng”, ông Phan Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp, nhớ lại lý do đã “quyện” vào câu chuyện lao động - việc làm. Những lần trực tiếp tặng quà cho bà con bị ảnh hưởng dịch bệnh, ông Thắng “mắt thấy, tai nghe” cử tri bày tỏ mong muốn tìm việc làm để mưu sinh. Trong khi đó, ngay từ tháng 2/2022, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác như Đài Loan bắt đầu tuyển lao động, nhưng các đơn vị dịch vụ việc làm trong tỉnh lại khó tìm được người. “Để có cái nhìn đầy đủ, nhiều chiều… trước khi đưa ra phương án tối ưu, tôi tổ chức nhiều kênh thông tin để ghi nhận cả tiếng nói người dân và ý kiến cơ quan chuyên môn”, ông Thắng chia sẻ.

Sau khi phân tích các dữ liệu, nhận thấy các doanh nghiệp trong nước còn đang tìm đường hồi phục nên khả năng tuyển mới lao động chưa nhiều. Trong khi đó thị trường nước ngoài đang rất cần lao động, nhưng Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp lại khó tuyển được người mà nguyên nhân cơ bản là do tâm lý lo ngại dịch bệnh... Lúc đó lao động mới chưa mạnh dạn đăng ký, còn lao động đã có lịch xuất cảnh, tức cơ hội việc làm đã đến tận cửa nhà, thì lại xin hoãn hoặc bỏ cuộc…

Thực tế tại Đồng Tháp lúc đó rất đáng lo, dù có 448 thực tập sinh hoàn thành chương trình học tập, rèn luyện, nhưng đến ngày xuất cảnh vào cuối tháng 3/2022, chỉ có 91 người lên máy bay sang Nhật… Trước thực trạng này, ông Thắng đã bàn bạc trong Thường trực Tỉnh uỷ và tình nguyện lãnh trách nhiệm “phá băng”.

Sau khi nắm tình hình, cộng với lắng nghe các ý kiến tham mưu của bộ phận chuyên môn, ông Thắng quyết định chọn phương án kết nối lại thị trường lao động nước ngoài làm khâu đột phá. “Chúng tôi xác định không chỉ vào cuộc nhanh mà còn phải làm thật quyết liệt”, ông Thắng bày tỏ quyết tâm. Bởi điều này không chỉ giúp lao động có việc làm, ổn định cuộc sống, mà còn giảm nguy cơ sinh ra những hệ luỵ về an sinh, xã hội.

Với phương châm “lấy việc thật, người thật” để củng cố niềm tin lao động trong nước, ông Thắng chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH xây dựng nội dung chuyến đi theo nguyên lý “2 trong 1” vừa làm việc với các đối tác để mở rộng thị trường, vừa thăm hỏi nơi ăn chốn ở của lao động là con em Đất Sen hồng đang làm việc tại nước ngoài để để bà con trong tỉnh biết và tin theo…

Nhiều cán bộ Sở LĐ-TB&XH Đồng Tháp thừa nhận rằng, ông Thắng đã chỉ đạo công tác này với tinh thần trách nhiệm rất cao. Sau khi cho xây dựng kế hoạch thật chi tiết, ông Thắng tiếp tục chỉ đạo “thực nghiệm” trước lúc lên đường bằng hình thức “xuất ngoại tại chỗ”. Theo đó, thành lập đoàn công tác đến tận nhà các thực tập sinh vừa kết thúc thời gian làm việc tại Nhật Bản trở về Đồng Tháp để tìm hiểu cặn kẽ các vấn đề. Với cách làm chặt chẽ đó, đầu tháng 6/2022 đoàn công tác lần lượt đến xứ Hoa Anh Đào, rồi xứ Kim Chi để tái mở thị trường cho lao động…

“Ông Hội đồng” đưa Sen Hồng ra thế giới
Đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp do ông Phan Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp dẫn đoàn chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo huyện Yeoncheon, tỉnh Gyeonggi-do, Hàn Quốc. Ảnh: BĐT.

“Đội mưa” tìm việc cho Sen hồng

“Chuyến đi đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng về người lãnh đạo hết lòng vì việc làm cho con em Đất Sen hồng”, ông Phạm Việt Công, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đồng Tháp chia sẻ. Do lịch làm việc tại Nhật Bản được xây dựng kín thời gian, nên đoàn công tác phải di chuyển liên tục. Tuy nhiên, khi đến tỉnh Chiba thì trời đổ mưa khá nặng hạt. Giữa lúc nhiều người trong đoàn đang rất ngại thì anh Thắng với tư cách trưởng đoàn đã quyết định đi thăm bằng được thực tập sinh người Đồng Tháp đang làm việc tại Công ty Sanyo Air.

Nhìn hình ảnh người đứng đầu tổ chức HĐND Đất Sen hồng tay cầm dù đi dưới làn mưa để “mắt thấy, tai nghe” nơi ăn, chốn ở, thu nhập… của lao động, không chỉ có thành viên trong đoàn, mà các đối tác nước ngoài cũng xúc động. “Nhưng xúc động nhất là chuyện “Ông Hội đồng” Thắng tranh thủ thời gian ngắn ngủi của chuyến thăm để lên “dây cót” tinh thần cho từng em”, ông Công nhớ lại.

Sau khi nắm tình hình, biết được lãnh đạo Nghiệp đoàn Zen-Kô-Kư, Công ty Sanyo Air rất quan tâm, chăm lo đời sống của thực tập sinh Đồng Tháp… ông Thắng bày tỏ mong muốn các em tiếp tục chấp hành nghiêm pháp luật của Nhật Bản, phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó… để hiện thực hoá thông điệp “Đi làm thuê - về làm chủ”. “Các em hãy nhớ rằng, mình đang giữ sứ mệnh rất quan trọng như chiếc cầu nối các công ty Nhật Bản với lao động Đồng Tháp. Nếu các em làm tốt, không chỉ giúp Công ty Sanyo Air ngày càng phát triển, mà còn là tăng thu nhập cho bản thân và quan trọng hơn là bắc cầu cho nhiều lao động quê nhà sang đây làm việc, rồi quay về làm giàu cho xứ sở”, ông Thắng nhấn mạnh.

Không dừng lại ở đó, ông Thắng còn tận dụng các buổi làm việc với các tập đoàn lớn của Nhật Bản để bày tỏ quan điểm của tỉnh trong việc xem trọng và dành nhiều quan tâm, hỗ trợ cho lao động ra nước ngoài làm việc. Sự cởi mở và tận tuỵ này đã tạo niềm tin cho nhiều đơn vị Nhật Bản. “Sau các buổi bàn bạc, các đơn vị doanh nghiệp phía Nhật Bản đánh giá cao cách làm của Đồng Tháp và khẳng định sẽ ưu tiên sử dụng và tạo điều kiện tốt nhất cho lao động Đồng Tháp làm việc…”, bà Tuyết cho biết. Điều này, không chỉ mở ra cơ hội tiếp nhận lao động Đất Sen Hồng, mà còn phá vỡ “tảng băng” bao trùm lên lao động trong tỉnh.

Những thông tin và hình ảnh của chuyến làm việc, ký hợp tác với các Tập đoàn lớn tại Nhật Bản, gặp gỡ lao động của tỉnh đang làm việc… đã giúp cho nhiều lao động và gia đình cảm thay đổi suy nghĩ. Tiếp tôi trong căn nhà tại khu chợ Tân Việt Hoà (phường 6, TP. Cao Lãnh), chị Nguyễn Kim Trang cho biết, con gái chị là Nguyễn Lê Kim Trân sinh năm 2002, sau thời gian học tập, được giới thiệu đến tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) làm việc tại Xí nghiệp Kobe International Trade Promotion Assciation vào ngày 8/6/2020. Nhưng do lo sợ dịch bệnh nên gia đình chưa dám cho con đi.

“Sau khi biết thông tin lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp sang Nhật làm việc và đến tận nơi thăm hỏi, xác định hình hình ăn ở, thu nhập của các em thực tập sinh…, tôi thấy an tâm”, chị Trang chia sẻ. Sau đó Trân đã sang Nhật làm việc. Hiện, bình quân mỗi tháng Trân gửi về gia đình hơn 15 triệu đồng.

“Ông Hội đồng” đưa Sen Hồng ra thế giới
Đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo tỉnh Gyeonggi-do, Hàn Quốc. Ảnh: BĐT.

Hiệu ứng “cột” tìm “trâu”

Hơn cả việc mở đường cho lao động ra nước ngoài làm việc, chuyến công tác đến Nhật Bản và Hàn Quốc do ông Thắng dẫn đoàn còn tạo ra hiệu ứng chưa từng có, mà nhiều lão nông tri điền xứ Tràm Chim, Tháp Mười gọi vui là “cột đi tìm trâu” cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Sau mỗi chuyến công tác, ông Thắng kết hợp các buổi tiếp xúc cử tri, công tác xây dựng Đảng tại các địa phương để truyền đạt những thông tin về xuất khẩu lao động để mọi người cùng biết và chung tay thực hiện.

Đặc biệt, ông Thắng còn dành thời gian đến dự các buỗi lễ tuyên thệ xuất cảnh để “truyền cảm hứng” cho các thực tập sinh… Tại các nơi đến, sau khi lưu ý nhắc nhở việc chuẩn bị tâm thế sẵn sàng học, tiếp thu nhanh, kiến thức, kinh nghiệm, bắt nhịp nhanh công việc… để khi trở về nước làm giàu cho mình và cho nhiều người trong làng, xã... ông Thắng không quên truyền đến các thực tập sinh chất lửa của lòng tự hào: “Hãy luôn nhớ mình là con em của đất Đồng Tháp và luôn nhớ rằng Đồng Tháp luôn bên mình để làm việc với tất cả trách nhiệm và tự hào: Tôi là người Đồng Tháp”.

Và quan trọng hơn là, sau những chuyến đi mở đường của ông Thắng, nhiều đơn vị Nhật Bản, Hàn Quốc bay sang tìm “đối tác tin cậy”. Chưa đầy 1 tháng sau chuyến đi, đầu tháng 7/2022, lãnh đạo Tập đoàn Something (TP. Tokyo) đã sang Đồng Tháp bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực thời gian tới. Trước mắt là tuyển dụng lao động sang làm việc. Đây là 1 trong số gần 20 nghiệp đoàn, công ty Nhật Bản tìm đến Đồng Tháp trong năm 2022. Qua đó, giúp cho Đồng Tháp đưa được 1.700 lao động làm việc tại Nhật Bản, đạt 118,6% kế hoạch.

Đến đầu tháng 3/2023, đáp trả lại thân tình của “ông Hội đồng” Thắng, huyện Yeoncheon (tỉnh Gyeonggi-do, Hàn Quốc) thành lập đoàn công tác sang Đồng Tháp trao đổi hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Sau khi được đích thân ông Thắng đưa đi khảo sát, tìm hiểu và giới thiệu về Làng hoa Sa Đéc, hai bên đã bàn bạc cùng nhau 5 nội dung trọng tâm hợp trong đó tất nhiên là có nội dung đưa lao động sang làm việc thời vụ tại Hàn Quốc và đưa du học sinh sang học tập và làm việc tại Hàn Quốc… Tất cả cho thấy thị phần lao động Đồng Tháp không chỉ được kết nối liên tục sau dịch, mà còn phát triển bền vững trong thời gian tới.

“Ông Hội đồng” đưa Sen Hồng ra thế giới
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tặng quà và tiễn lao động, thực tập sinh lên đường sang Nhật Bản làm việc. Ảnh: BĐT.

Tiếp nối truyền thống “Hội đồng”… lao động

“Việc HĐND tham gia “dẫn dắt” công tác xuất khẩu lao động hiện nay là sự kế tục câu chuyện đã được Đồng Tháp khởi đầu từ hơn 10 năm trước”, ông Nguyễn Văn Dương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ. Nhận thấy là tỉnh bất lợi về vị thế địa lý, năm 2014 Đồng Tháp xác định cho mình hướng phát triển nông thôn bền vững bằng con đường đẩy mạnh xuất khẩu lao động.

“Lúc đó phía UBND tỉnh quyết tâm và quyết liệt lắm, nhưng khi bàn tới việc cho nông dân vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn thì “vướng” vì chưa có chủ trương chung. Khi đưa vấn đề này ra tại cuộc họp Thường trực Tỉnh uỷ thì cũng chính Chủ tịch HĐND lúc bấy giờ đã nhận trách nhiệm “phá băng”, ông Dương nhớ lại.

Sau đó, vấn đề được biểu quyết tại kỳ họp HĐND, Đồng Tháp trở thành tỉnh đi đầu trong việc xét hỗ trợ chi phí học tập và cho người đi lao động xuất khẩu vay tín chấp 90 - 100%. “Lúc đó, với sự thận trọng về quyền lợi của cử tri, người đứng đầu HĐND tỉnh Đồng Tháp đặt ra yêu cầu thực hiện cơ chế một đơn vị đầu mối làm nhiệm vụ cung ứng lao động kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động để tiếp nhận thông tin tuyển dụng, thẩm định đơn hàng”, ông Dương cho biết thêm. Chính điều này đã hạn chế được việc phát sinh ảnh hưởng rủi ro, “cò” môi giới…. tạo điều kiện cho lao động làm việc có thu nhập cao…

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp, những chính sách này đã góp phần tạo nên thương hiệu lao động ở Đồng Tháp nhiều năm qua, nhưng đang sắp bị “Ông Hội đồng” Thắng cho “thay thế”. Từ thực tế sau những chuyến đi, ông Thắng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng “viết lại” chính sách. “Sau thời gian quan tâm, đầu tư cho đầu ra, tức cho lao động tham gia làm việc ở nước ngoài, nhận thấy còn trống ở phần đầu vào, tức hỗ trợ cho lao động trở về sau khi hết hạn làm việc, về nước” ông Thắng chia sẻ.

Theo ông Thắng, tính đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện đưa hơn 12.000 lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài, ước bình quân mỗi năm gởi về gia đình 1.500 tỉ đồng. Nhưng cái quan trọng hơn là các thực tập sinh còn mang tài sản lớn hơn về nước, đó kiến thức, kỹ năng… đã tích luỹ trong đầu sau thời gian làm việc trong môi trường, tác phong công nghiệp.

Thực tế cho thấy, nhiều người sau khi về nước đã phát huy nguồn vốn to lớn này, mở ra nhà xưởng, vươn lên làm chủ, làm giàu cho mình và giúp nhiều người tại chỗ có việc làm ổn định… Nhưng, nhìn chung, nguồn tài sản quý này còn nằm trong đầu nhiều người, mà nguyên nhân cơ bản là do còn trong tình trạng phát triển “tự phát”. “Vì vậy Đồng Tháp đang hướng tới xây dựng chính sách hỗ trợ mang tính “xé rào” như 10 năm trước, nhưng lần này là để tạo ra đất cho lao động Đất Sen hồng có nơi để tạo bệ phóng vươn lên tầm cao mới khi trở về nước sau hành trình ra nước ngoài làm việc”, ông Thắng kỳ vọng.

Kết nối việc làm rồi tạo tiền đề cho lao động sau khi về nước, “Ông Hội đồng” Thắng không chỉ đặt thêm mảnh ghép để tạo ra “vòng ấm no” cho lao động Đất Sen hồng, mà còn gợi mở cho hoạt động của cơ quan đại diện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, những hướng đi mới trong bối cảnh mới.

Nguồn tin: laodongcongdoan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây