Tiếp tục phát huy vai trò đơn vị đầu mối của Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp
Tham dự có ông Phan Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy/ Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; bà Phan Thu Thủy - Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động; ông Trần Văn Việt - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Sóc Trăng cùng lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.
Phương châm “Đi làm thuê – Về làm chủ”
Là tỉnh thực hiện thành công chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong 10 năm (2014 – 2024), Đồng Tháp có hơn 15.400 lao động làm việc ở nước ngoài.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh vai trò quan trọng trong phát huy nguồn nhân lực đi làm việc ở nước ngoài
Ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, đạt được kết quả trên là quá trình địa phương tuyên truyền, vận động, làm thay đổi tư duy của người dân, mạnh dạn ra nước ngoài làm việc để vừa nâng cao tay nghề, tăng thu nhập; đồng thời, cũng là cơ hội để trau dồi kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc; đặc biệt là với phương châm “Đi làm thuê – Về làm chủ”.
Tỉnh đã có chính sách hỗ trợ cho lao động, ký kết hợp tác với các nghiệp đoàn ở nước ngoài và luôn nắm bắt tình hình người lao động để hỗ trợ kịp thời. Địa phương còn có nhiều câu lạc bộ dành cho người lao động sau khi hết hạn trở về nước nhằm phát huy kinh nghiệm, kỹ năng, nhất là động viên người lao động tiếp tục khởi sự, lập nghiệp – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chia sẻ.
Với tinh thần “Đi làm thuê – Về làm chủ”, Hồ Huỳnh Thi (sinh năm 1993, tại huyện Lấp Vò) từng làm việc tại Nhật Bản, sau khi về nước anh tham gia giảng dạy tiếng Nhật và làm công tác quản lý tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sen Đại Dương.
Anh Hồ Huỳnh Thi chia sẻ kinh nghiệm thành công của bản thân
Bài học kinh nghiệm của Hồ Huỳnh Thi đó là phải xác định mục tiêu rõ ràng cho bản thân và quyết tâm thực hiện dù có khó khăn, chia nhỏ mục tiêu để giảm áp lực, luôn suy nghĩ tích cực, tận dụng thời gian để không ngừng làm việc và học tập.
Chính sách hỗ trợ lao động
Để phát huy nguồn nhân lực đi làm việc ở nước ngoài, hiện nay đa số các địa phương đều có chính sách hỗ trợ, giúp người lao động giảm bớt gánh nặng về chi phí học nghề, học ngoại ngữ, giáo dục định hướng, chi phí làm thủ tục, chi phí xuất cảnh v.v..
Tại Đồng Tháp đã có 8.966 lao động vay vốn từ hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng doanh số cho vay 689,5 tỷ đồng; trong đó, có 410 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách.
Tỉnh Cà Mau (từ cuối năm 2019 đến tháng 7/2024), có 385 lao động được hỗ trợ ban đầu, với số tiền hơn 02 tỷ đồng; 385 lao động được hỗ trợ vay vốn, với số tiền hơn 34 tỷ đồng. Đối với tỉnh Vĩnh Long, nhờ có chính sách về hỗ trợ người lao động nên bình quân mỗi năm, địa phương này có trên 1.100 lao động ra nước ngoài làm việc.
Cũng tại hội thảo, bà Yamada Rei - đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cũng đã thông tin về dự án Hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Người lao động mong muốn làm việc ở nước ngoài có thể xem các thông tin việc làm phù hợp với điều kiện cá nhân và thu thập thông tin về tổ chức phái cử đăng tải thông tin việc làm đó.
Đối với giải pháp đầu tư nhân lực cho tương lai, ông Nguyễn Gia Liêm - Chuyên gia cao cấp, cố vấn Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam cho rằng, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành trong việc xây dựng quy định cụ thể hóa và tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp xuất khẩu lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cũng như có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp xuất khẩu lao động về tài chính, thuế v.v..
Ông Phan Văn Thắng cho biết sẽ tiếp tục khảo sát, mở rộng thị trường lao động
Chốt lại một số nội dung tại hội thảo, ông Phan Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy/ Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh, các cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh sẽ quan tâm hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh; chú trọng tuyên truyền những gương người thật, việc thật.
Ông Phan Văn Thắng đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách đặc thù về hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhằm tạo cơ hội cho tất cả các nhóm đối tượng lao động đủ điều kiện, có nhu cầu; đồng thời tin tưởng, trong giai đoạn mới, Chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có bước tiến mới và đạt được kết quả cao hơn nữa.
95 năm Báo Lao Động xuất bản số đầu tiên
Nhân dịp này, các đại biểu cùng ôn lại kỷ niệm 95 năm Báo Lao Động xuất bản số đầu tiên (14/8/1929 – 14/8/2024). Nhiều cá nhân, tập thể của Báo Lao Động, đặc biệt là Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhận được Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Đồng Tháp, Sóc Trăng, An Giang và Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành trong khu vực.
Ông Phạm Thiện Nghĩa tặng Bằng khen cho tập thể, cá nhân thuộc Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Tác giả bài viết: Nguyệt Ánh
Nguồn tin: dongthap.gov.vn