UBND tỉnh Đồng Tháp đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2021-2025.
Dự thảo Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho biết, giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh có 6.781 lao động đã xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, thị trường Nhật Bản chiếm 73,4%, vượt gần 70% kế hoạch.
UBND tỉnh Đồng Tháp Ảnh:C.N
Tính đến ngày 1/6/2021, toàn tỉnh Đồng Tháp có 3.640 lao động hết hạn hợp đồng, trong đó có một nửa về nước tiếp tục xuất cảnh hoặc gia hạn hợp đồng. Ước tính mỗi năm, lao động gửi về trên 1.300 tỷ đồng.
Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của địa phương này trong giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu phấn đấu đưa 7.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Đa số ý kiến thể hiện sự thống nhất với dự thảo Kết luận, đồng thời đề nghị ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho những đối tượng trúng tuyển; có chính sách hỗ trợ cho lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi để học định hướng; tạo điều kiện cho lao động phát huy được tay nghề sau khi về nước…
Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp giao Sở Lao động-Thương binh & Xã hội tổng hợp hoàn chỉnh dự thảo Kết luận để UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Ông Lê Minh Hoan - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp (nay là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT) từng chia sẻ phương châm đưa người lao động đi làm việc nước ngoài của tỉnh là "Ra đi làm thuê, trở về làm chủ".
Theo ông Hoan, lao động trẻ làm việc 3-5 năm ở nước ngoài thì “tiền mang về không quan trọng bằng cái đầu mang về”. Trước hết là lựa chọn kỹ người lao động đi tu nghiệp, tiếp thu kỹ thuật, tác phong làm việc để khi trở về lập nghiệp, khởi nghiệp chứ không chỉ là kiếm tiền để xóa đói giảm nghèo...