Đồng Tháp đón hàng trăm bà bầu từ Bình Dương về quê sinh con
Cả nhà đi học tiếng nước ngoài...
Chuyện cả gia đình anh Nguyễn Thành Hưng đi nước ngoài lao động, xây nhà mới khang trang đã làm người dân xã Vĩnh Thạnh (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) cảm phục.
Theo anh Hưng, ban đầu nghe chi phí đi Nhật cả 100 triệu đồng/người, vợ chồng anh định bỏ cuộc. Nhưng khi đến Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Tháp tìm hiểu, anh được biết Nhà nước hỗ trợ gần như 100% chi phí đi Nhật bằng nguồn vốn vay, lãi suất gần như không. Nhờ sự hỗ trợ này, gia đình anh mới có điều kiện đi lao động ở nước ngoài.
Tuy nhiên, anh Hưng cũng cho biết, cái khó của người đi lao động nước ngoài không chỉ áp lực về tiền bạc mà gặp những trở ngại khác, như: Chuyện học ngoại ngữ, tuổi tác và cả lời dèm pha của hàng xóm.
Anh Hưng kể: "Khi đó, bà con trong xóm thấy cả nhà đi học tiếng nước ngoài, bà con nói ra nói vào nhiều lắm. Họ còn cho rằng gia đình tôi làm chuyện bao đồng, tốn tiền rồi cũng về mần ruộng. Cũng may, tôi và 2 con gái trúng tuyển, đi nước ngoài làm việc. Nhờ đó mới có tiền cất căn nhà hơn 800 triệu đồng nên bà con mới tin".
Khi học xong ngoại ngữ, cả nhà đi phỏng vấn, vợ anh bị rớt nên 3/2018 con gái thứ ba của anh Hưng được sang Nhật. Đến 5/2018, anh Hưng trúng tuyển đi lao động thời vụ tại Hàn Quốc (nay đã về nước) và đến 7/2018, đứa con gái thứ 2 của anh cũng tiếp tục trúng tuyển đi Nhật.
Hiện 2 con gái anh Hưng vẫn đi làm bình thường. Anh thường xuyên khuyên 2 con gái tuân thủ nghiêm biện pháp phòng, chống dịch ở Nhật để đảm bảo sức khỏe bản thân và công ty.
Một cách để xóa nghèo
Anh Hưng kể, vợ chồng anh lấy nhau, cha mẹ hai bên cho hơn 10 công ruộng trồng lúa. Bao nhiêu năm vất vả, tiền bán lúa chỉ đủ nuôi sống gia đình và 3 đứa con đi học. Do đó, việc đi lao động nước ngoài không chỉ là con đường thoát nghèo mà còn giúp nhiều gia đình vươn lên khá giả.
Theo vợ chồng anh Hưng, sau vài tháng sang Nhật làm việc, 2 con gái đã gửi tiền về giúp anh trả xong nợ ngân hàng. Mỗi tháng, 2 con gái của anh gửi về gia đình từ 45-50 triệu đồng. Riêng anh Hưng, dù đi làm việc thời vụ ở Hàn Quốc chỉ 3 tháng nhưng anh cũng mang về nhà hơn 100 triệu đồng.
Theo anh Hưng, đi nước ngoài làm việc, không chỉ mang tiền về mà còn học hỏi nhiều thứ. Nhất là chuyện nước bạn làm nông nghiệp, vấn đề môi trường. Một que kem, hộp cơm ăn xong cũng phải để đúng nơi, không vứt bừa bãi.
Anh Hưng kiến nghị, ngành chức năng Đồng Tháp cần có thêm khoản hỗ trợ chi phí học ngoại ngữ, tiền ăn, ở cho các gia đình con em thuộc diện nghèo, khó khăn. Vì theo anh Hưng, các khoản chi phí này không phải quá lớn đối với những hộ có điều kiện nhưng với hộ nghèo, khó khăn thì cực kỳ lớn.
Bà Nguyễn Thị Minh Tuyết - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đồng Tháp cho biết, gia đình anh Hưng là một tấm gương về ý chí vươn lên trong cuộc sống. Bản thân anh và 2 con gái đến thời điểm hiện tại được đơn vị sử dụng đánh giá cao về đạo đức, tác phong làm việc. Rất nhiều trường hợp thành công như gia đình anh Hưng.
Theo bà Tuyết, tỉnh Đồng Tháp hiện có khoảng 5.840 lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nhiều nhất là Nhật Bản. Mặc dù dịch bệnh ở các nước đang diễn biến phức tạp, nhưng các cơ sở sản xuất ở nước sở tại vẫn hoạt động bình thường và người lao động vẫn làm việc. Các đơn vị sử dụng lao động luôn quan tâm phòng, chống dịch một cách nghiêm ngặt.
Từ 2014, Tỉnh ủy Đồng Tháp ban hành nghị quyết xem công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Nhờ đó, trung bình mỗi năm, Đồng Tháp đưa từ 1.500 - 2000 lao động đi làm việc ở Nhật, Hàn Quốc… Tính đến nay trên 8.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài (thị trường Nhật Bản chiếm trên 80%), mỗi năm mang về cho Đồng Tháp hàng ngàn tỷ đồng.
Tác giả bài viết: Nguyễn Hành
Nguồn tin: dantri.com.vn