CẢNH GIÁC VỚI THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG, CHIÊU TRÒ “VIỆC NHẸ, LƯƠNG CAO”

CẢNH GIÁC VỚI THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG, CHIÊU TRÒ “VIỆC NHẸ, LƯƠNG CAO”

Thứ tư - 15/05/2024 09:15 294 0
Hiện nay, nhu cầu tìm việc làm của người lao động nói chung, người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nói riêng là rất cao, trong đó có nhu cầu xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Lợi dụng tâm lý nôn nóng muốn nhanh chóng đi làm việc ở nước ngoài với chi phí xuất cảnh thấp, thu nhập cao, visa lao động khuyến mãi hấp dẫn, không cần ký kết hợp đồng lao động, không yêu cầu trình độ cao, tuổi tác… và sự thiếu hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người lao động, thời gian gần đây, một số tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã sử dụng các website, trang mạng xã hội như: Facebook, zalo để tìm kiếm người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Do nhẹ dạ, cả tin vào một tương lai tốt đẹp với lời hứa “việc nhẹ, lương cao", không ít người dân đã phải vỡ mộng, sa vào bẫy đã được giăng sẵn của các đối tượng lừa đảo, tổ chức, môi giới cho người khác xuất nhập cảnh trái phép để lao động ở nước ngoài và đang phải trải qua những ngày tháng cơ cực, bị vắt kiệt sức lao động trên “đất khách, quê người".


Cơ quan Công an làm việc với các đối tượng có hành vi lừa đảo đưa người đi xuất khẩu lao động nước ngoài. (ảnh minh họa)

 Một trong những phương thức, thủ đoạn chủ yếu để đưa công dân Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài lao động là tìm kiếm, dụ dỗ nạn nhân sang các quốc gia gần biên giới với Việt Nam như Campuchia, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Myanmar,... để làm “việc nhẹ lương cao" tại các công ty cờ bạc trực tuyến, game online trá hình, kinh doanh tiền kỹ thuật số …, tổ chức cho nạn nhân xuất cảnh mà không cần hộ chiếu, chứng minh tài chính, bằng cấp, thủ tục hết sức nhanh gọn.
Các đối tượng môi giới chủ yếu sử dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo...) để trao đổi thông tin, tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép. Sau khi công dân được đưa ra nước ngoài, sẽ được bố trí chỗ ăn, ở, sinh hoạt và làm việc tại các khu biệt lập, có sự theo dõi, giám sát chặt chẽ, cắt liên lạc với gia đình, người thân, bị thu giữ giấy tờ tùy thân, ép buộc ký hợp đồng lao động làm việc rất khắt khe về chỉ tiêu và số tiền kiếm được, bị đánh đập, hành hạ nếu không hoàn thành chỉ tiêu; phải trả chi phí "chuộc thân" từ vài chục đến vài trăm triệu đồng nếu muốn về nước; thậm chí bị mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể, là nạn nhân của các vụ phạm tội mua bán người.
Ngoài ra, thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động mà nhiều người gặp phải là các công ty không có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động nhưng vẫn đăng tuyển tìm người trên các trang web một cách rất rầm rộ, dụ dỗ người lao động đi theo các con đường “chui" diện du lịch, du học… nhưng khi sang nước ngoài buộc phải lao động tại các các cơ cở, công ty tư nhân, không đúng theo hợp đồng ban đầu; hay để sớm đạt được mục đích của mình, các đối tượng lừa đảo đánh vào tâm lý “ham rẻ" của một số người lao động không có điều kiện kinh tế tốt, thậm chí nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, sẵn sàng cung cấp thông tin sai sự thật về những công việc có mức lương khủng với chi phí xuất khẩu lao động cực thấp…
Nhẹ dạ, cả tin vào các thủ đoạn lừa đảo, chiêu trò “việc nhẹ, lương cao" phải đối mặt với nhiều nguy cơ, rũi ro, vừa vi phạm pháp luật trên lĩnh vực xuất nhập cảnh (quy định tại điểm a, khoản 3 và điểm d, đ khoản 7 điều 18, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ), vừa ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế, an toàn tính mạng của người bị rơi vào “bẩy", liên lụy đến gia đình, bạn bè, người thân… Để chủ động phòng ngừa tội phạm, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh đề nghị người dân nêu cao cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn lừa đảo, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.
Khi có nhu cầu tìm việc làm ở nước ngoài, trước hết cần phải nghiên cứu kỹ thị trường lao động và liên hệ với các công ty, doanh nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động để được tư vấn, hướng dẫn; cần kiểm tra, tìm hiểu rõ các thông tin của đơn vị cung cấp lao động thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động; cảnh giác trước các quảng cáo chào mời “việc nhẹ, lương cao".
Khi xuất khẩu lao động, nếu không may là nạn nhân của các đường dây đưa người đi lao động “chui" ở nước ngoài, trước hết công dân cần liên hệ ngay với Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam hoặc cơ quan chức năng của nước sở tại mà công dân đang lao động, làm việc; người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc liên hệ Trực ban hình sự Công an tỉnh Đồng Tháp qua số điện thoại 0277.3852.185 để được nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
 

Tác giả bài viết: Minh Trường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây